Chuyển đến nội dung chính

Chế độ ăn ngừa loãng xương ở người cao tuổi

Xin bác sĩ tư vấn về chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa bệnh này? Xin cảm ơn.

Phạm Thị Thanh Giang (thanhgiang@gmail.com)

Khi đã có tuổi, hàm răng bị hư hỏng, lung lay, thậm chí rụng dần, cơ nhai bị teo làm ảnh hưởng đến việc cắn nghiền thức ăn ở miệng. Trương lực dạ dày giảm, sức co bóp yếu, dịch nước bọt, dịch vị và các men tiêu hóa khác giảm cả về số lượng và chất... Đó là những yếu tố làm cho người già ăn kém ngon miệng, tiêu hóa hấp thu giảm. Mặt khác do hoạt động thể lực giảm, tiêu hao năng lượng cho chuyển hóa cơ bản giảm nên nhu cầu dinh dưỡng cũng giảm theo. Vì vậy, chế độ ăn ở người cao tuổi cần chú ý những điểm chính sau đây: Giảm lượng ăn vào: Ở người trên 70 tuổi chỉ cần năng lượng bằng 2/3 so với khi còn trẻ. Cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí thoải mái, khi ăn cần ăn chậm nhai kỹ thức ăn. Nên tăng các thức ăn thực vật: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và quả chín, giảm lượng thịt thay bằng cá. Chế biến các món hấp luộc thay bằng món rán nướng. Nên thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn mềm, thái nhỏ hầm nhừ... Không ăn quá no nhất là về buổi tối vì khi nằm dạ dày căng to đẩy cơ hoành lên chèn ép cản trở hoạt động của tim. Còn loãng xương là một rối loạn chuyển hóa do nhiều yếu tố trong đó có dinh dưỡng. Do vậy để phòng loãng xương người cao tuổi cần ăn những thức ăn giàu canxi như trứng, cá, sữa, tôm, cua, đậu đỗ...; tăng cường thể dục vận động cơ thể ngoài trời. Nếu loãng xương gây đau nhức nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thì cần khám xem có cần dùng thuốc không.

BS. Trần Quang Nhật